[5 nguyên tắc của lean] – 4. Thiết lập hệ thống sản xuất theo nhu cầu (Pull system)


Nguyên tắc thứ 4 trong 5 nguyên tắc của Lean chính là thiết lập Pull system. Hệ thống sản xuất theo nhu cầu. Hay còn được gọi tắt là hệ thống kéo. Vậy pull system là gì? Vì sao cần thiết lập nó cũng như nó đem lại lợi ích gì? Mời bạn đọc tham khảo bài viết bên dưới.

Pull system là gì?

Theo góc nhìn về quản lý chuỗi cung ứng trong sản xuất, có thể chia hệ thống sản xuất thành 2 dạng. Bao gồm sản xuất theo hệ thống đẩy (Push System) và sản xuất theo hệ thống kéo (Pull System).

Push System là một hệ thống mà trong đó, nhà sản xuất sẽ sản xuất dựa trên những dự đoán tốt nhất của họ về những gì thị trường muốn. Về cơ bản, việc sản xuất hàng hóa được lên kế hoạch dựa trên một lịch trình với thời hạn sản xuất định trước. Sau đó, nhà sản xuất đẩy những hàng hóa này ra thị trường.

Trong khi đó, Pull System là hệ thống mà trong đó việc sản xuất được khởi xướng từ người hoặc tổ chức tiêu thụ hàng hóa đó. Thành phẩm sẽ không được sản xuất mà không có một đơn đặt hàng của khách hàng cụ thể. Tương tự như vậy, sự bổ sung, thay thế cho các sản phẩm trung gian hay vật liệu sẽ không được mua trước khi các vật phẩm hiện có đã được sử dụng.

 

Vì sao lại là Pull System?

Trên thực tế, không phải lúc nào việc dự báo cũng là chính xác. Nếu dự báo cao hơn thực tế sẽ dẫn đến việc thừa hàng, lượng tồn kho tăng cao. Còn nếu dự báo thấp hơn thực tế sẽ đến thiếu hàng, ảnh hưởng đến việc giao hàng.

Hệ thống kéo là một phần của các nguyên tắc sản xuất Lean, ra đời vào cuối năm 1940. Mục đích là tạo ra một quy trình công việc  mà trong đó công việc chỉ được “kéo” nếu có nhu cầu cho nó. Điều này đồng nghĩa với chuyện là không có dư thừa, cũng không bị thiếu hụt. Bằng cách làm như vậy, công ty của bạn có thể tập trung vào việc loại bỏ các hoạt động lãng phí trong quá trình sản xuất như: lãng phí do chờ đợi, do tồn kho, do sản xuất quá nhiều… (Để hiểu kỹ hơn về các lãng phí này, bạn có thể tham khảo thêm tại bài 7 loại lãng phí – Mỏ ngọc đang ngủ yên). Kết quả là, bạn sẽ có thể tối ưu hóa nguồn tài nguyên của mình. Thêm vào đó, việc áp dụng Pull System còn cho phép bạn phân phối công việc kịp thời (Just-in-time). Một ví dụ điển hình là phương pháp Kanban.

Ngoài ra, nó còn có thể giúp bạn dự đoán dễ dàng hơn cho các công việc tương lai của bạn. Thông qua việc cho phép bạn thu thập dữ liệu lịch sử về quy trình công việc của bạn và thời gian chu kỳ trung bình của các tác vụ. Sử dụng dữ liệu này kết hợp với các kỹ thuật dự báo khác nhau sẽ cho bạn một dự báo có thể xảy ra về số lượng công việc có thể được xử lý trong một khoảng thời gian được xác định trước.

Tóm lại

Trên đây là những thông tin cũng như lợi ích từ Pull System, một trong 5 nguyên tắc cốt lõi của Lean. Tuy nhiên, cũng không phải có thể áp dụng cho mọi trường hợp. Ví dụ năng lực sản xuất của công ty chưa cao, thời gian sản xuất ra sản phẩm quá lâu… Nếu không tính toán kỹ lưỡng, có thể bạn sẽ không đáp ứng được mong đợi của khách hàng. Do vậy, cũng cần thận trọng và chọn cách sản xuất sao cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của công ty nhé.

 

Ai Le

Leave a Reply