Hệ thống sản xuất Toyota (Toyota Production system- TPS) đã phát triển trong nhiều năm và trở thành một phần trong chiến lược của Toyota. TPS ban đầu bao gồm các khái niệm như tiêu chuẩn hóa công việc, các bộ phận có thể thay thế được và các quy trình sản xuất dựa trên dòng chảy. Tuy nhiên, thông qua Sakichi Toyoda người sáng lập Toyota, kỹ sư Taiichi Ohno và đồng nghiệp của ông là Shigeo Shingo (một nhà tư vấn cho Toyota) và Eiji Toyoda những khái niệm này đã được phát triển thành TPS ngày nay.
Mục tiêu của hệ thống sản xuất Toyota (TPS)
TPS là một hệ thống sản xuất được phát triển bởi tập đoàn Toyota để đảm bảo chất lượng tốt với công nghệ cao, chi phí hợp lý để tối đa hóa năng suất.
Mục tiêu chính của TPS là loại bỏ lãng phí (còn gọi là muda), sự quá tải (muri) và thiếu cân bằng hoặc không nhất quán (mura) trong quy trình. Phát triển các quy trình để nó trở nên trơn tru, linh hoạt, không bị quá tải và giảm chi phí sản xuất xuống thấp nhất có thể.
Ngôi nhà TPS – TPS House
Mái nhà cho thấy mục tiêu chung của TPS là trở thành nhà cung cấp giá trị tốt nhất cho khách hàng (cả nội bộ và bên ngoài) về chất lượng, chi phí, thời gian, an toàn và tinh thần.
Để mái nhà giữ nguyên vị trí, nó được hỗ trợ bởi hai trụ cột chính, đó là:
- Just in time: Chỉ sản xuất những gì cần thiết, khi cần thiết và với số lượng cần thiết.
- Jidoka (Tự động hóa):không bao giờ để cho sản phẩm lỗi có thể đi qua giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn sau là khách hàng của giai đoạn trước. Do đó gia đoạn trước phải được đáp ứng đúng các yêu cầu.
Trung tâm của ngôi nhà chính là con người với tinh thần cải tiến liên tục.
Bên dưới hai trụ cột chính là nền tảng của ngôi nhà. Đầu tiên là loại bỏ sự thiếu cân bằng ra khỏi tất cả các hoạt động thông qua việc sử dụng heijunka. Thứ hai và thứ ba liên quan đến hai công cụ cơ bản của TPS (và Lean). Cụ thể là chuẩn hóa quy trình (standard work) và 5S.
- Chuẩn hóa quy trình (standard work): Có nghĩa là các quy trình, hướng dẫn sản xuất được quy định và truyền đạt một cách rõ ràng, chi tiết nhất có thể. Mục đích là để các hoạt động sản xuất luôn được thực hiện một cách thống nhất.
- 5s (Quản lý trực quan) :là phương pháp quản lý, sắp xếp nơi làm việc. Nhằm loại bỏ các lãng phí, giảm thiểu các hoạt động không tạo ra giá trị. Tạo môi trường làm việc với tinh thần cải tiến liên tục, an toàn và chất lượng.
Và cuối cùng là triết lý của Toyota hay “Phương thức Toyota” là các nguyên tắc quản lý và triết lý kinh doanh của Toyota.
Những điều này lần đầu tiên được tóm tắt bởi chính Toyota vào năm 2001. Nhưng được công bố bởi Tiến sĩ Jeffrey Liker, giáo sư kỹ thuật công nghiệp tại Đại học Michigan, vào năm 2004 trong cuốn sách “The Toyota Way”, mô tả về 14 nguyên tắc của TPS.
Tóm lại
TPS tập trung vào loại bỏ lãng phí trong từng công đoạn. Rút ngắn được thời gian, giảm chi phí sản xuất nhưng vẫn đạt được chất lượng tốt nhất, cùng với sự an toàn và tinh thần làm việc. Ngôi nhà TPS đã trở thành một trong những biểu tượng trong giới sản xuất. Thể hiện sự vững chắc trong hệ thống và có kết cấu chặt chẽ với nhau. Bất kì sự sai lệch hay khiếm khuyết nào cũng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của toàn ngôi nhà.
ThuHuong