Jidoka _ Công cụ Lean hữu ích

Jidoka là một thuật ngữ thường được sử dụng trong sản xuất tinh gọn (Lean manufacturing) và được coi là một trong những trụ cột của Hệ thống sản xuất Toyota (Toyota Production System). Jidoka giúp phát hiện và ngăn chặn lỗi sớm, các vấn đề được giải quyết kịp thời, do đó ngăn chặn được lỗi hay các sự cố trong quá trình sản xuất. Giúp giảm được tổn thất về thời gian năng xuất và chi phí.

Jidoka là gì?

Jidoka được Toyota định nghĩa là “tự động hóa với tư duy con người”,  có nghĩa là kết hợp sự thông minh của con người và máy móc để xác định lỗi và thực hiện các biện pháp xử lý nhanh chóng.

Thực hiện Jidoka có nghĩa là không có khiếm khuyết trong quá trình dựa trên 4 nguyên tắc:

  • Phát hiện sự bất thường
  • Dừng lại
  • Khắc phục hoặc sửa chữa ngay lập tức
  • Điều tra nguyên nhân gốc rễ và thiết lập biện pháp xử lý

Máy móc tốt hơn người trong việc phát hiện lỗi và dừng quá trình. Nhưng con người rất giỏi trong việc giải quyết vấn đề, và đó là điều mà Jidoka kết hợp. Khi phát hiện lỗi hay sự cố máy móc hay dây chuyền sẽ lập tức dừng lại, thông báo yêu cầu sự hỗ trợ do đó ngăn chặn được sản phẩm lỗi đến các công đoạn tiếp theo. Và khi máy móc hay dây chuyền dừng lại thì người giám sát khu vực sẽ xác định vấn đề, nguyên nhân gốc rễ và nhanh chóng thực hiện các biện pháp xử lý.

Phát triển khái niệm Jidoka

Sakichi Toyoda, người sáng lập công ty, là người đầu tiên có trực giác với khái niệm Jidoka. Năm 1902, ông đã phát minh ra máy dệt sẽ tự động dừng nếu có bất kỳ sợi dệt nào bị đứt. Điều này đã mở ra cánh cửa cho máy dệt tự động, chỉ cần một người vận hành duy nhất có thể xử lý hàng chục máy dệt.

Phát minh của Sakichi  đã làm giảm khiếm khuyết trong quá trình sản xuất, giảm thời gian chờ đợi và tăng năng suất. Sakichi cũng đưa ra ý tưởng về việc dừng sản xuất để loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ.

Shigeo Shingo là người đã phát triển và mở rộng khái niệm Jidoka. Ông cũng là người phát minh ra khái niệm poka-yoke, trong đó đề cập đến các thiết bị chống lỗi đơn giản và rẻ tiền. Và ông cũng là người chứng minh rằng kiểm tra 100% là có thể đạt được với chi phí thấp.

Tại sao phải Jidoka?

Tỷ lệ lỗi cao dẫn đến các điểm dừng thường xuyên, khiến cho việc sản xuất không thể diễn ra liên tục, gây tổn thất về năng xuất, thời gian và chi phí. Mục đích của Jidoka là không bao giờ để cho sản phẩm lỗi có thể đi qua giai đoạn tiếp theo, nhằm ngăn chặn lỗi hay các sự cố trong quá trình sản xuất.

Bước đầu tiên của Jidoka là phát hiện bất thường, máy móc sẽ được gắn các cảm biến đơn giản để phát hiện sự cố, sau đó là dừng lại và báo hiệu các sự cố cho người vận hành.

Khi nào cần dừng quá trình?

Dừng quá trình trong trường hợp gặp sự cố là điều cần thiết để có một hệ thống sản xuất tốt. Dưới đây là một số nguyên nhân nên dừng quá trình:

Những vấn đề về chất lượng

Một trong những lý do chính để ngăn chặn một quá trình đó là khi có vấn đề về chất lượng. Sẽ có nhiều trường hợp xảy ra nếu bạn để những vấn đề về chất lượng đi vào giai đoạn tiếp theo.

  • Phần bị lỗi tiếp tục được xử lý và tạo ra sản phẩm bị lỗi có thể phải bỏ đi. Nếu bạn sản xuất một động cơ hoàn chỉnh, trong đó xi lanh bị sai lệch, bạn sẽ phải vứt bỏ động cơ hoàn chỉnh, chứ không chỉ là vứt bỏ đi xi lanh.
  • Ngay cả khi sản phẩm lỗi có thể sửa chữa thì phải mất rất nhiều thời gian và công sức để khắc phục vấn đề. Ví dụ, nếu động cơ bị lỗi đã được lắp ráp vào trong xe, thì bạn phải thực hiện rất nhiều công việc để có thể sửa chữa như tiến hành tháo động cơ một lần nữa, sửa chữa, sau đó gắn động cơ ngược lại.
  • Sự chậm trễ giữa việc phát hiện sự cố và nguyên nhân của vấn đề có thể dẫn đến nhiều vấn đề hơn vì không được xác định sớm . Nếu máy của bạn bị căn chỉnh sai mà không được phát hiện sớm, thì hàng loạt các bộ phận được tạo ra sẽ có thể có cùng một lỗi như nhau.
  • Và cuối cùng, khi các vấn đề xảy ra khá lâu rồi mới được phát hiện thì việc xác định nguyên nhân của vấn đề sẽ trở nên khó khăn hơn.

Tóm lại, dừng quá trình sớm sẽ giảm chi phí theo dõi lỗi và cho phép khắc phục sự cố dễ dàng hơn.

Các  vấn đề về quá trình

Cũng có thể có vấn đề trong quá trình, có thể không dẫn đến vấn đề chất lượng  hoặc là không gây ra vấn đề ngay lập tức. Trong trường hợp này, quá trình nên được dừng lại. Ví dụ, nếu máy quá nóng, cần dừng lại và điều tra. Ngay cả khi chất lượng của các bộ phận vẫn còn tốt, máy quá nóng có thể dẫn đến các bộ phận bị lỗi hay hỏng máy hoặc tệ nhất là gây thương tích.

Vấn đề cung cấp nguyên liệu

Một ví dụ khác khi dừng quá trình mặc dù không có tác động đến chất lượng là khi không cung cấp đầy đủ nguyên liệu cho quá trình. Điều này cũng được coi là một bất thường  vì nó dẫn đến quá trình không hoạt động bình thường. Và tất nhiên bạn cũng nên dừng quá trình nếu cần thiết lập lại. Ví dụ, khi đang lắp ráp động cơ nhưng lại thiếu xi lanh, thì quá trình nên được đừng lại, báo hiệu sự cố, để người vận hành có nhận biết cung cấp lại đầy đủ nguyên liệu.

Tại sao phải dừng một cách tự động?

“Nên tự động dừng quá trình nếu có vấn đề”. Ví dụ, nếu bạn phải kiểm tra thủ công từng bộ phận, cho dù chỉ một loại khiếm khuyết chất lượng, mắt bạn sẽ bị mờ khá nhanh. Và nó không mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là đối với nhiều loại khiếm khuyết.

Do đó với Jidoka, là luôn có một điểm dừng tự động cho bất kỳ loại bất thường nào, từ các vấn đề về chất lượng đến các vấn đề máy móc hay  hết nguyên liệu. Nếu máy sẽ tiếp tục với sự bất thường này, chi phí để sửa chữa, khắc phục các sự cố sau này sẽ tăng lên gấp bội.

Sửa chữa

Dừng quá trình là chìa khóa của Jidoka. Tuy nhiên, nó không dừng lại ở đó. Đương nhiên, sau khi quá trình dừng lại, cần tập trung vào việc tìm nguyên nhân và khắc phục vấn đề. Những vấn đề trong tầm tay cần phải được giải quyết. Nếu đó là một vấn đề chất lượng hãy sửa chữa nó. Nếu máy có vấn đề, có thể làm bảo trì. Và nếu máy dừng do thiếu nguyên liệu, hãy đặt lại nguyên vật liệu. Sửa chữa này không nhất thiết phải là vĩnh viễn.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng loại điểm dừng, bạn có thể đầu tư thời gian và công sức để không chỉ khắc phục nhanh mà còn có thể loại bỏ nguyên nhân gốc và ngăn chặn việc đó xảy ra lần nữa.

Điều này không phải lúc nào cũng có thể, nhưng nếu có cơ hội để giảm hoặc loại bỏ điểm dừng, hãy thực hiện ngay. Phân tích điểm dừng, tìm nguyên nhân gốc rễ, phát triển giải pháp và sau đó thực hiện để vấn đề không xảy ra lần nữa.

Tóm lại

Tóm lại, dừng quá trình sớm để giảm chi phí do lỗi và cho phép khắc phục vấn đề dễ dàng hơn. Thay vì chỉ kiểm tra thành phẩm cuối cùng, thực hiện Jidoka giúp phát hiện lỗi sớm hơn, ngăn chặn được các sản phẩm kém chất lượng đi qua các công đoạn khác qua đó giảm được những lãng phí do tạo ra sản phẩm bị sai hỏng.

Thực hiện Jidoka không chỉ là phát hiện lỗi trong quá trình sản xuất, mà còn xác định nguyên nhân, đánh giá và điều chỉnh quá trình  để có thể loại bỏ khả năng tạo ra cùng một lỗi lần nữa.

Thêm vào đó, Jidoka còn giúp  ngăn ngừa hư hỏng máy móc thiết bị, giảm được sự tham gia của con người và đảm bảo được chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn.

Thu Huong

Leave a Reply