Ông được biết đến như là cha đẻ của ngành kiểm soát chất lượng thống kê, Walter A. Shewhart đã kết hợp thành công những nguyên tắc của thống kê, kỹ thuật và kinh tế, và áp dụng lý thuyết thống kê vào công việc để giải quyết những yêu cầu của ngành công nghiệp. Người ta cho rằng những việc làm của Shewhart đã dẫn đến cuộc cách mạng chất lượng ở đầu thế kỷ 20 và khởi đầu ngành nghề về chất lượng.
Shewhart nhận bằng đại học và bằng thạc sĩ của trường đại học Illinois, và ông cũng nhận học hàm tiến sĩ về vật lý của trường đại học California ở Berkeley vào năm 1917. Ông dạy ở hai trường đại học Illinois and California, và ông từng có thời gian ngắn là Trưởng Khoa Vật lý tại trường Wisconsin Normal ở La Crosse, ngày nay được biết đến là trường Đại học Wisconsin-La Crosse.
Từ năm 1918 đến năm 1924, Shewhart là kỹ sư điện tại phòng thí nghiệm Western Electric và phòng thí nghiệm điện thoại Bell. Sau đó, ông phục vụ tại Bộ chiến tranh, Liên hợp quốc và chính phủ Ấn Độ, ông cũng hoạt động tích cực tại Hội đồng nghiên cứu quốc gia và Học viện thống kê thế giới.
Là thành viên danh dự đầu tiên của ASQ, Shewhart được biết đến nhiều nhất vì đã phát triển biểu đồ kiểm soát, tuy đơn giản nhưng là một công cụ vô cùng hiệu quả thể hiện được bước khởi đầu để tiến tới cái mà Shewhart gọi là “công thức của nền tảng khoa học giúp bảo đảm việc kiểm soát kinh tế.”
“Shewhart tái tạo lại những mô hình mang tính chất lý thuyết bằng cách đánh số vào ba thẻ viền kim loại khác nhau,” Ellis R. Ott từng viết để tưởng nhớ đến Shewhart vào năm 1967. “Sau đó ông dùng những bát ăn thông thường trong nhà bếp – bát Shewhart – để giữ từng bộ thẻ vì những mẫu khác cỡ nhau được lấy ra từ ba nhóm người khác nhau. Đó chính là cái bát; và nó đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ý tưởng và hình thành nên những phương pháp được tổng quát trong biểu đồ kiểm soát của Shewhart.”
Công trình nổi bật của ông vào năm 1931, Kiểm soát tính kinh tế chất lượng sản phẩm, được coi là lời giải thích thấu đáo và hoàn chỉnh về nguyên lý cơ bản của kiểm soát chất lượng.
Vào năm 1939, ông viết cuốn Phương pháp thống kê từ quan điểm kiểm soát chất lượng. Trong cuốn sách này lần đầu tiên ông thảo luận về khái niệm giải quyết vấn đề. Khái niệm này cuối cùng đã trở thành nền tảng cho chu trình: lập kế hoạch – thực hiện – kiểm tra – tiến hành, quy trình bốn bước để cải tiến chất lượng. Khái niệm này thường được biết đến dưới tên gọi là chu trình chất lượng Shewhart và sau đó là Chu trình Deming sau khi W. Edwards Deming giới thiệu khái niệm này tại Nhật Bản và phổ biến phiên bản của riêng ông.
Shewhart còn được nhớ đến bởi sự đam mê chân thành của ông trong công việc và sự quan tâm đến những vấn đề khác nữa. “Là một người đàn ông, anh lịch thiệp, quý phái, không bao giờ ngạo mạn, không bao giờ đánh mất phẩm giá của mình,” Deming nói. Ông là người đã gặp Shewhart tại Western Electric và coi ông là một nhà cố vấn dày dạn kinh nghiệm. “Ông từng thất vọng và bực bội khi nhiều tác giả ở lĩnh vực thống kê toán học không hiểu về quan điểm của ông.” -M.E.
Trích lời Shewhart
-
Nói về việc kết hợp giữa khoa học và chất lượng, Shewhart đã từng nói: “Cả khoa học thuần túy và khoa học áp dụng đều dần thúc đẩy yêu cầu về tính chính xác và đúng đắn xa hơn nữa. Tuy nhiên, khoa học áp dụng, đặc biệt trong việc sản xuất hàng loạt những bộ phận máy móc có thể thay thế được, thậm chí còn chính xác hơn cả khoa học thuần túy ở những vấn đề đòi hỏi sự chính xác và đúng đắn.”
Tsĩ. Phan Chí Anh biên dịch
1 thought on “[Những bậc thầy về chất lượng] Walter A. Shewhart (1891-1967)”