Sử dụng kỹ thuật thống kê được xem là công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp nâng cao kết quả hoạt động về năng suất, chất lượng, chi phí, giao hàng, an toàn và tinh thần. Tuy nhiên, thống kê có tới hàng trăm công cụ khác nhau, vậy việc áp dụng công cụ nào là phù hợp và mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp. Giáo sư Kaoru Ishikawa một trong những nhà khoa học hàng đầu trên thế giới về quản lý chất lượng, đã xác định các công cụ vừa đơn giản nhưng lại hữu hiệu trong việc giải quyết hầu hết các vấn đề chất lượng quan trọng, mà ngày nay chúng ta chúng ta gọi là 7 công cụ quản lý chất lượng. 7 công cụ đó bao gồm:
1. Biểu đồ (Graphs)
Công cụ đầu tiên trong 7 công cụ quản lý chất lượng là biểu đồ. Với biểu đồ, dữ liệu được thể hiện một cách trực quan bằng hình ảnh các số liêu để người xem dễ dàng quan sát và so sánh các số liệu hoặc sự thay đổi của chúng. Biểu đồ cũng được sử dụng để sắp xếp dữ liệu, chia sẻ thông tin với người khác hoặc đưa ra nhận xét và quyết định cho số liệu. Có nhiều dạng biểu đồ như biểu đồ cột, biểu đồ đường, biểu đồ Grantt, hay là biểu đồ kết hợp như biểu đồ đường và cột, …
2. Phiếu kiểm soát (Check Sheet)
Công cụ quản lý chất lượng thứ 2 là phiếu kiểm soát, là form mẫu để thu thập dữ liệu. Dữ liệu ở đây có thể là dữ liệu về số lượng, tầng suất hoặc về chất lượng. Mục đích của check sheet là ghi lại một cách tóm tắt, kiểm đếm các sự kiện xảy ra, sử dụng khi người dùng quan tâm đến việc đến số lần xuất hiện của một sự kiện, chẳng hạn như lỗi. Trong nhiều trường hợp, check sheet sẽ tóm tắt dữ liệu liên quan đến một số loại lỗi nhất định và sẽ cung cấp một biểu đồ thô về vị trí hoặc quy trình, công đoạn xảy lỗi và những dữ liệu này có thể được sử dụng là đầu vào cho biểu đồ Histogram, biểu đồ Pareto, …
3. Biểu đồ Pareto
Biểu đồ Pareto giải quyết vấn đề theo nguyên tắc 80 – 20 (quy luật thiểu số quan trọng và phân bố nhân tố), tức là 80% kết quả/sai phạm là do 20% nguyên nhân gây ra. Sử dụng biểu đồ này giúp cho nhà quản lý bóc tách những nguyên nhân quan trọng ra khỏi những nguyên nhân vụn vặt của một vấn đề, từ đó biết được những nguyên nhân nào là quan trọng nhất cần phải tập trung xử lý. Ngoài ra biểu đồ Pareto còn dùng để đánh giá hiệu quả cải tiến.
4. Biểu đồ nhân quả (Cause & Effect diagram)
Công cụ này được phát minh bởi tiến sĩ Ishikawa là biểu đồ nhân quả hay còn gọi là biểu đồ xương cá (Fishbone). Biểu đồ nhân quả giúp sắp xếp một cách có hệ thống những nguyên nhân có thể dẫn đến kết quả, từ đó giúp xác định được nguyên nhân gốc rễ của vấn đề để có thể thực hiện các hành động khắc phục, ngăn chặn phù hợp. Đặc trưng của biểu đồ này là giúp chúng ta lên danh sách và xếp loại những nguyên nhân tiềm ẩn chứ không cho ta phương pháp loại trừ nó.
5. Biểu đồ phân tán (Scatter Diagram)
Biểu đồ phân tán là loại biểu đồ được dựng bởi các điểm theo tọa độ toán học để xác định mối tương quan giữa hai biến. Hai bộ dữ liệu được vẽ trên đồ thị, với trục tung Y được sử dụng cho biến được dự đoán (còn gọi là biến phụ thuộc) và trục hoành X được sử dụng cho biến dùng để đưa ra dự đoán (còn gọi là biến độc lập). Sau khi xác định được mối tương quan này, bạn có thể dự đoán kết quả của biến phụ thuộc dựa trên số đo của biến độc lập. Một cách cô đọng và đơn giản nhất, biểu đồ phân tán giúp chúng ta kiểm tra mối tương quan giữa hai biến và xác định liệu chúng có liên quan hay không? Nếu có thì liên quan nhiều hay ít và như thế nào?
6. Biểu đồ mật độ phân bố (Histogram)
Tiếp theo chúng ta đến với biểu đồ mật độ phân bố, là dạng biểu đồ cột cho thấy tần số xuất hiện của từng yếu tố. Với biểu đồ mật độ phân bố, chúng ta sẽ biết được mật độ xuất hiện của dữ liệu và biết được những yếu tố hay dữ liệu nào lặp lại thường xuyên hơn. Căn cứ vào dạng phân bố tần suất bằng đồ thị, người ta có những kết luận chính xác về tình hình bình thường hay bất thường của chỉ tiêu chất lượng, của quá trình. Từ đó đưa ra những quyết định phù hợp để cải tiến, nâng cao chất lượng.
7. Biểu đồ kiểm soát (Control Charts)
Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng đó là biểu đồ kiểm soát. Là một công cụ được sử dụng để theo dõi, đánh giá tình hình của các thông số về đặc tính chất lượng đối với giới hạn kiểm soát để kiểm tra độ ổn định của quá trình. Nếu thấy trên biểu đồ xuất hiện những điểm nằm ngoài giới hạn kiểm soát hoặc thể hiện xu hướng ra ngoài nghĩa là đang có một nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến sự bất thường trong quá trình.
Vì sao nên áp dụng 7 công cụ quản lý chất lượng?
7 công cụ quản lý chất lượng là công cụ cơ bản để cải thiện quy trình và chất lượng sản phẩm. Chúng được sử dụng để kiểm tra quá trình sản xuất, xác định các vấn đề chính, kiểm soát biến động chất lượng sản phẩm, đưa ra giải pháp ngăn chăn và phòng ngừa để tránh các khiếm khuyết trong tương lai.
Khi kiểm soát tốt, năng lực của quá trình được cải thiện, doanh nghiệp sẽ giảm thiểu được các chi phí liên quan đến sản phẩm lỗi, cũng như giảm thiểu được được những yêu cầu đối với hoạt động kiểm tra, thử nghiệm cuối cùng.
Với việc thực hành các công cụ này, doanh nghiệp sẽ chủ động và hiệu quả hơn trong việc nhận diện các vấn đề của mình, xác định được đâu là nguyên nhân gốc của vấn đề, định ra được thứ tự ưu tiên cần giải quyết và đưa ra được quyết định đúng đắn để giải quyết vấn đề.
Thêm vào đó các công cụ quản lý chất lượng còn giúp cho mục tiêu chất lượng trở nên rõ ràng hơn, mỗi nhân viên, công nhân sẽ hiểu và kiểm soát quá trình theo cách thức nhất quán, nâng cao kỹ năng nhận thức làm việc, giúp mọi người hiểu rõ và chủ động hơn trong việc kiểm soát quá trình để tạo ra sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng ngay từ đầu.
ThuHuong
1 thought on “[7 QC Tools] – 7 công cụ quản lý chất lượng”