Quy tắc ABC trong quản lý tồn kho- Công cụ lean hữu ích


Quản lý hàng tồn kho (hàng lưu kho) là một lĩnh vực có chức năng chính là xác định hình dạng, kích thước (số lượng) và vị trí của hàng hóa lưu kho. Nó được yêu cầu nhằm cung cấp để sẵn có cho quá trình sản xuất cũng như dự trữ nguyên vật liệu thường xuyên và theo kế hoạch. Tuy nhiên, nếu quản lý tồn kho không hiệu quả thì chúng ta lại phải đau đầu nhức óc quay lại với bài toán về lãng phí, cụ thể là lãng phí do tồn kho. Vậy có cách nào để quản lý tồn kho hiệu quả và hạn chế lãng phí?

Quy tắc ABC trong quản lý tồn kho

Ví dụ: Bạn đang nắm tồn kho của một nhà máy công nghệ xe hơi. Mỗi chiếc xe có rất rất nhiều linh kiện để gia công từ rẻ tiền đến mắc và thậm chí là cực mắc tiền. Vậy, làm cách nào để có thể theo dõi tất cả thành phần của xe hơi và tối ưu nó với khoảng thời gian có hạn khi biết rằng có linh kiện chỉ trị giá bằng 1/100 (hoặc hơn thế nữa) so với linh kiện đắt tiền khác?

Quy tắc ABC xác định mức độ quan trọng của hàng hóa và quy định từng cấp độ quan trọng khác nhau, từ A đến C. Hầu hết công ty đều có nhiều chủng loại hàng tồn khác nhau, để quản lí tồn kho hiệu quả thì cần định mức giá trị mỗi mặt hàng. Quy tắc ABC giúp doanh nghiệp dễ dàng phân loại hàng hóa theo giá trị và hiệu quả kinh doanh, nhờ đó xây dựng phương pháp dự báo, chuẩn bị và kiểm soát tồn kho cho từng nhóm mặt hàng khác nhau.

Nguồn gốc của phương pháp này là định luật Pareto: 80% kết quả đến từ 20% nguyên nhân. Điều này có nghĩa rằng, chỉ 20% hàng hóa mang lại 80% hiệu quả kinh doanh. Nói một cách dễ hiểu, nếu kiểm soát hiệu quả nhóm 20% hàng hóa này tức là đã nắm được 80% kết quả  của hệ thống hàng hóa. Theo đó, hàng hóa dựa trên giá trị sẽ được chia làm 3 loại:

Loại A: Là những hàng hóa có giá trị cao nhất, chiếm từ 70-80% so với tổng giá trị hàng hoá dự trữ. Nhưng về mặt số lượng, chủng loại thì chỉ chiếm khoảng 10-15% lượng hàng dự trữ. Đặc tính của nhóm hàng này là có tính chọn lọc nhà cung cấp cao, cần sự chính xác về số lượng và thời gian đặt hàng, cần mua hàng liên tục…

Loại B: Bao gồm những loại hàng hoá dự trữ có giá trị hàng năm ở mức trung bình, chiếm từ 15-25% so với tổng giá trị hàng dự trữ, Nhưng về số lượng, chủng loại chúng chỉ chiếm khoảng 30% tổng số hàng dự trữ.

Loại C: Gồm những loại hàng có giá trị thấp, giá trị dự trữ chỉ chiếm khoảng 5% so với tổng giá trị hàng dự trữ. Nhưng số lượng chiếm khoảng 50-55% tổng số lượng hàng dự trữ.

Lợi ích của quy tắc ABC trong quản lý tồn kho

Nguồn vốn dùng để đầu tư (mua) hàng nhóm A cần phải nhiều hơn so với nhóm C, do đó cần sự ưu tiên đầu tư thích đáng vào quản trị nhóm A. Các loại hàng nhóm A cần có sự ưu tiên trong bố trí, kiểm tra, kiểm soát hiện vật. Việc thiết lập các báo cáo chính xác về nhóm A phải được thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo khả năng an toàn trong sản xuất. Trong dự báo nhu cầu dự trữ, chúng ta cần áp dụng các phương pháp dự báo khác nhau cho nhóm mặt hàng khác nhau, nhóm A cần được dự báo cẩn thận hơn so với các nhóm khác.

Tóm lại, quy tắc này sẽ cho chúng ta những kết quả tốt hơn trong dự báo, kiểm soát, đảm bảo tính khả thi của nguồn cung ứng, tối ưu hoá lượng dự trữ, không bị lan man dàn trải trong việc phải quản lý cặn kẽ cho tất cả các mặt hàng. Từ đó, ngăn chặn lãng phí (Lean trong sản xuất).

Ai Le

Leave a Reply