Trong sản xuất, chúng ta thường gặp phải rất nhiều các loại lỗi hay sự cố liên quan đến việc vận hành như: vận hành sai chức năng, máy móc đang chạy bị dừng, công nhân vận hành lắp ráp sai vị trí, sử dụng sai dụng cụ, sai vật liệu… Chính vì thế mà Poka Yoke là một công cụ không thể không kể đến trong việc chống/ hạn chế sai lỗi cho các hoạt động hay quá trình. Và nó cũng là 1 trong 32 công cụ Lean hữu ích
Thế thì Poka Yoke là gì??? Bạn đọc có thể ôn lại hoặc tìm hiểu tại bài viết “Poka Yoke – Công cụ Lean hữu ích” . Còn ở bài viết này, tôi sẽ tập trung về những ứng dụng của Poka Yoke trong cuộc sống để thấy rằng thật ra đây không phải là một công cụ gì quá phức tạp, xa lạ. Mà nó rất quen thuộc, rất gần gũi được ứng dụng cả trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
1. Chức năng phát hiện sai lỗi, sự cố:
Trong đời sống hằng ngày thì việc xuất hiện các sự cố ngoài ý muốn là điều chúng ta không dễ dàng tránh khỏi. Lúc này công cụ chống sai lỗi sẽ được áp dụng kịp thời phát hiện ra các sai sót, thông báo đến chúng ta để có biện pháp khắc phục nhanh nhất.
- Ví dụ cũng thường dễ thấy về ứng dụng của chức năng này là xung quanh các trung tâm thương mại, công ty, chung cư… hay thậm chí là ở các hộ gia đình được lắp đặt các hệ thống chuông báo cháy. Mục đích ở đây là khi có sự cố cháy nổ xảy ra chuông báo cháy sẽ báo động để mọi người chủ động dừng tất cả các hoạt động và nhanh chóng xử lý để giảm thiệt hại về người và tài sản.
- Ví dụ nữa là đồng hồ báo thức được thiết lập sẵn trong điện thoại, laptap hay các thiết bị công nghệ. Nói đến đây thì hẳn rằng ai cũng hình dung ra công dụng của nó phải không nào? Báo thức để khỏi phải dậy trễ khi đi học, đi làm hay thông báo nhắc nhở các sự kiện quan trọng để cần chú ý.
2. Chức năng khắc phục lỗi, sự cố
Một khi sai lỗi, sự cố đã được phát hiện, nhận dạng và thông báo một cách nhanh nhất thì việc khắc phục lỗi, sự cố đó cũng trở nên dễ dàng hơn. Nên lưu ý rằng, việc phát hiện, nhận dạng và báo hiệu ngay khi có lỗi xảy ra (chức năng 1) là cực kỳ quan trọng. Vì hầu hết các lỗi mới phát sinh đều sẽ dễ xử lý hơn và ít tốn kém chi phí hơn. Giống như trị bệnh lúc mới nhiễm bệnh và với khi đã bệnh lâu ngày vậy.
- Ví dụ về ứng dụng của chức năng này đó là việc bạn đi xe ôtô mà quên cài dây an toàn, âm thanh báo hiệu vang lên như ví dụ đề cập ở phần 1. Thì việc của bạn lúc này là phải cài dây an toàn vào để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như cho hầu bao của mình không bị phạt khi tham gia giao thông.
- Ví dụ như chức năng phát hiện lỗi chính tả trong word (đối với văn bản bằng tiếng Anh) khi bạn cài ở chế độ kiểm tra chính tả, ngữ pháp. Thì nếu bạn viết sai chính tả sẽ bị gạch chân màu đỏ dưới chữ bạn gõ sai. Còn nếu bị gạch chân màu xanh tức là đâu đó sai ngữ pháp…
Hoặc thậm chí là sau khi phát hiện, nhận dạng và báo lỗi thì có thể tự sửa lỗi. Ví dụ trong google translate, khi bạn gõ sai từ tiếng Anh bạn muốn dịch, thì ngay bên dưới sẽ hiển thị từ điều chỉnh cho bạn. (Từ “continuous” được bôi xanh in đậm như hình bên dưới).
3. Chức năng ngăn ngừa lỗi, sự cố
Đây là chức năng giúp chúng ta ngăn ngừa trước khi các sai hỏng xảy ra như là một biện pháp để phòng tránh.
- Bạn đã từng lắp cái thẻ SIM chưa nhỉ? Bạn có để ý rằng người ta đã thiết kế sẵn cái khe cắm thẻ SIM chỉ cho phép bạn bỏ SIM vào trong chiếc điện thoại của mình bằng một cách chính xác duy nhất. Nếu lắp sai chiều thì làm sao có thể bỏ SIM vào được đúng không nào? Nó giúp không tạo ra lỗi khi bỏ thẻ SIM và điều này cũng có thể hiểu là ngăn ngừa lỗi thiết kế. Đó cũng là một ví dụ minh chứng cho chức năng này.
- Ví dụ cũng tương tự cho đầu cắm USB máy tính, bạn đưa sai đầu nối thì sẽ không thể thực hiện được việc kết nối giữa USB và máy tính.
Trên đây cũng là một số chia sẻ về ứng dụng của Poka Yoke trong cuộc sống và qua đó cũng dễ dàng nhận ra công cụ này luôn hiện hữu xung quanh ta và đặc biệt hơn là vô cùng hữu ích. Mong rằng bài viết này sẽ hữu ích cho bạn.
Kim Huệ