Phương pháp đánh giá quy trình và hệ thống


Như những gì đã được chia sẻ ở bài viết trước, ngoài phương pháp “Đánh giá sản phẩm”, chúng ta còn có 2 phương pháp đánh giá khác được thực hiện trong “Quality Audit”, đó là: “đánh giá quy trình” và “đánh giá hệ thống”.

Bài viết sau đây sẽ tiếp tục cung cấp cho mọi người những kiến thức cơ bản về các phương pháp đánh giá này.

Phương pháp “Đánh giá quy trình”

Khái niệm về phương pháp “Đánh giá quy trình”

  • Là quá trình đánh giá các bước và trình tự tương tác của một quy trình trong một hệ thống dựa trên những quy định, tiêu chuẩn được xác định trước đó nhằm đo lường sự phù hợp và hiệu quả của chúng.
  • Phạm vi của phương pháp “đánh giá quy trình” nên thực hiện trên một quy trình đơn lẻ. Ví dụ: quy trình đánh dấu, cài đặt, thiết lập…
  • “Đánh giá quy trình” chỉ bao gồm một phần của một hệ thống và thường sẽ tốn ít thời gian hơn đánh giá hệ thống.

Cách thực hiện phương pháp “Đánh giá quy trình”

Có 2 bước tiến hành thực hiện phương pháp “Đánh giá quy trình”

Bước 1: Auditor sẽ thực hiện đánh giá các thông số cơ bản trong quy trình như: thời gian, độ chính xác, nhiệt độ, áp suất, thành phần, đáp ứng, cường độ và hỗn hợp thành phần. Những yếu tố này có thể sử dụng để đánh giá các quy trình liên quan như: xử lý nhiệt, hàn, mạ, đóng gói…

Bước 2: Sau đó, người thực hiện sẽ tiếp tục đánh giá hiệu quả của quy trình bằng các kiểm tra các khía cạnh ảnh hưởng tới quá trình biến đổi nguyên liệu đầu vào thành sản phẩm đầu ra: nguồn lực, thiết bị, nguyên vật liệu, con người (hồ sơ training); các phương pháp (quy trình, hướng dẫn, flowchart…); môi trường; thiết bị đo lường…

Phương pháp “Đánh giá hệ thống”

  • Là quá trình kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của hệ thống quản lý trong một tổ chức so với các yêu cầu quy định thông qua các bằng chứng khách quan có được trong quá trình đánh giá.
  • Tiêu chuẩn đánh giá hệ thống của một tổ chức có thể dựa trên những tiêu chuẩn của công ty hay chính sách, quy định của quốc gia, quốc tế như: các điều khoản trong hợp đồng, quy định hạt nhân, tiêu chuẩn ISO, FDA…
  • “Đánh giá hệ thống” sẽ được tiến hành đánh giá tất cả hoạt động có trong hệ thống, bao gồm: quy trình, sản phẩm, dịch vụ và những bộ phận hổ trợ như: mua hàng, dịch vụ khách hàng, thiết kế kỹ thuật, xuất nhập hàng hóa, quản lý chất thải và đào tạo…

Lưu ý: do “đánh giá hệ thống” là một phạm trù rất rộng, do đó, bài viết này chỉ đưa ra những phạm vi áp dụng chứ không hướng dẫn rõ cách thức thực hiện nó như các phương pháp trên.

Tóm tắt

Hy vọng qua những bài viết trên mọi người đã trang bị cho mình những kiến thức tổng quát về các phương pháp được ứng dụng phổ biến trong “Quality Audit”.

Việc áp dụng các phương pháp này giúp auditor có thể đánh giá, ghi nhận sự phụ hợp của tổ chức một cách khách quan và tối ưu nhất. Bên cạnh đó, giúp cho tổ chức có thể phát hiện những điểm không phù hợp, bất cập, cần được cải tiến trong quy trình, hệ thống hiện tại qua đó những người lãnh đạo sẽ đưa ra các hướng xử lý phù hợp cho chúng cũng như duy trì sự phát triển bền vững của công ty.

 

Harley Lee

Leave a Reply