[7 Loại lãng phí] – Lãng phí do sản xuất dư thừa

Sản xuất dư thừa tức sản xuất nhiều hơn hay sớm hơn mức được yêu cầu một cách không cần thiết. “Cần thiết” ở đây là phù hợp với doanh số bán hàng, tức là sản xuất ra quá nhiều mà không bán được sẽ trở thành lãng phí. Sản xuất dư thừa là loại lãng phí nguy hiểm nhất trong nhóm bảy loại lãng phí vì nó có khả năng gây ra các dạng lãng phí khác. Hôm nay cùng Vietquality chúng ta phân tích chi tiết loại lãng phí này.

Nguy cơ lãng phí do sản xuất dư thừa

Khi sản xuất dư thừa doanh nghiệp sẽ phải tốn chi phí cho việc vận chuyển và tồn kho. Nguyên nhân là do sản xuất dư thừa sẽ dẫn tới lưu kho và các thành phẩm hay bán thành phẩm sẽ phải vận chuyển ra khắp các kho các cơ sở để lưu trữ và vận chuyển ngược trở lại khi cần thiết. Thêm vào đó sản xuất dư thừa sẽ làm tăng số lượng tồn kho so với nhu cầu thực, việc tồn kho lớn dẫn đến chiếm chỗ, tốn chi phí cho việc bảo quản, quản lý và dễ gây hư hỏng sản phẩm.

Khi sản xuất quá nhiều doanh nghiêp sẽ lưu kho nhiều, sẽ khó thay đổi sản phẩm theo những đòi hỏi của khách hàng, thị trường và tiến bộ công nghệ, từ đó gia tăng rủi ro lỗi thời của hàng hóa, sản phẩm. Những sản phẩm bị lỗi thời có thể phải bán đi với giá thấp, tốn chi phí để cải tiến lại hoặc hủy bỏ gây nên những lãng phí và tổn thất lớn cho doanh nghiệp. Điều này đặc biệt đúng với những sản phẩm theo mùa, theo phiên bản như thời trang, điện tử…

Sản xuất dư thừa cũng làm cho doanh nghiệp phải đối mặt với tình hình hàng hóa, sản phẩm hết hạn sử dụng. Đặc biệt là các mặt hàng về dược phẩm, thực phẩm, … không những doanh nghiệp phải bảo quản đúng cách mà còn phải theo dõi hạn sử dụng. Nếu hết hạn doanh nghiệp phải hủy bỏ các loại hàng hóa này, việc đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải bỏ chi phí để mua nguyên vật liệu, đầu tư sản xuất nhưng không đem lại bất cứ lợi nhuận nào mà còn tốn thêm một khoản chi phí để xử lý và hủy bỏ những hàng hóa hết hạn này.

Lãng phí do sản sản xuất quá mức không những làm phát sinh lãng phí do tồn kho mà còn dẫn tới lãng phí do gia công, vận chuyển, kiểm tra, đóng gói, bảo quản, … Và khi làm việc, có thể gây nên lãng phí do chờ đợi, lãng phí do thao tác đang ẩn nấp ở đâu đó trong công việc. Có nghĩa là sản xuất dư thừa là loại lãng phí lớn nhất và là nguồn gốc phát sinh nhiều loai lãng phí khác.

Nguyên nhân dẫn đến lãng phí do sản xuất dư thừa

Thường các doanh nghiệp đều mong muốn chủ động trong sản xuất kinh doanh, mong muốn đáp ứng nhu cầu của khách hàng càng nhanh càng tốt do vậy nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận một khoảng sản xuất dư thừa nào đó như một khoảng dự phòng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có khoảng dự phòng hợp lý. Nguyên nhân là do việc tính toán, dự đoán sai nhu cầu dẫn đến khoảng dự phòng quá cao.

Hoặc chưa có thông tin về hợp đồng/đơn hàng chính xác mà đã tiến hành sản xuất dẫn đến những sai khác so với hợp đồng chính thức. Chẳng hạn như bạn nghe thông tin là khách hàng sẽ đặt 1 triệu sản phẩm A và bạn tiến hành sản xuất ngay. Nhưng hợp đồng chính thức khách hàng đặt là 400.000 sản phẩm A và 600.000 sản phẩm B, như vậy khoảng sản phẩm A bị dư này buộc phải lưu kho để bảo quản và chờ một đơn hàng khác từ khách hàng.

Nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư vào máy móc, thiết bị với công xuất lớn để phục vụ cho việc sản xuất hoặc nhiều máy móc, quy trình có thể mất nhiều thời gian thiết lập để sản xuất ra các thành phần hoặc các sản phẩm khác nhau. Những điều này có thể thúc đẩy việc sản xuất ra các lô hàng với số lượng lớn dẫn đến dư thừa không chỉ thành phẩm mà còn trong các công đoạn.

Trong một số trường hợp, khi doanh nghiệp đã sản xuất hoàn thiện đơn hàng nhưng đơn hàng lại bị hủy hoặc bị thay đổi số lượng hoặc chủng loại, đây cũng chính là một nguyên nhân gây nên sản xuất dư thừa. Ngoài ra sản xuất dư thừa còn do nhiều doanh nghiệp không tin tưởng vào độ tin cậy của quy trình và thường sản xuất một lượng dư để bù vào những thành phần bị sai lỗi, do trao đổi thông tin giữa các bộ phận chưa tốt, nhà cung cấp không đáng tin cậy, chưa có sự tính toán cân bằng chuyền hợp lý, …

Giải pháp loại bỏ lãng phí do sản xuất dư thừa

Để giảm thiểu hoặc loại bỏ sản xuất dư thừa, doanh nghiệp có thể áp dụng một vài giải pháp sau đây:

Doanh nghiệp phải có biện pháp theo dõi và cân đối nhu cầu phù hợp, sử dụng kỹ thuật dự báo nhu cầu sản xuất, cả về thông tin đầu vào và đầu ra sản phẩm để thực hiện quy trình sản xuất một cách chính xác, đúng thời điểm và hiệu quả, tuyệt đối không sản xuất khi không có đơn hàng hay thông tin xác thực.

Chỉ sản xuất theo những gì khách hàng yêu cầu không thừa cũng không thiếu, bằng cách áp dụng một số công cụ Lean như Just In Time, KanbanHeijunka . Tức là khách hàng yêu cầu 100 sản phẩm A, 50 sản phẩm B thì bạn chỉ sản xuất đúng 100 sản phẩm A và 50 sản phẩm B. Giảm thời gian thiết lập trên thiêt bị để cho phép sản xuất ra các lô nhỏ hơn bằng cách áp dụng kỹ thuật chuyển đổi nhanh (SMED).

Cân bằng dây chuyền sản xuất một cách hợp lý sẽ giúp điều phối lại toàn bộ quá trình sản xuất để không có trường hợp có bộ phận thì sản xuất quá nhanh và có bộ phận thì sản xuất chậm quá mức dẫn đến tồn kho giữa các công đoạn, từ đó doanh nghiệp có thể loại trừ và giảm thiểu được lãng phí.

Hợp lý hóa kế hoạch sản xuất: Cần có những biện pháp hợp lý hóa sản xuất, lập kế hoạch và điều chuyền hợp lý, bố trí và điều phối lao động phù hợp. Cần xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý đảm bảo đáp ứng yêu cầu khách hàng mà không gây lãng phí. Sắp xếp nơi làm việc hợp lý đảm bảo nguyên tắc: Cái gì cần cho sản xuất thì mới được để nơi sản xuất, trang thiết bị, dụng cụ, nguyên vật liệu sắp xếp sao cho an toàn, đảm bảo tính sẵn có, thuận tiện nhất cho sản xuất, …

Ngoài ra, lãng phí do sản xuất dư thừa có thể được giảm thiểu bằng cách áp dụng một số giải pháp khác như cải thiện và đẩy mạnh thông tin nội bộ để thông tin được truyền đạt một cách nhanh chóng và chính xác, có biện pháp kiểm tra hàng tồn kho để đảm bảo hàng tồn kho luôn ở mức phù hợp, sử dụng máy móc chuyên dụng nhỏ phù hợp thay vì những “siêu máy” có công xuất lớn, …

ThuHuong

,

1 thought on “[7 Loại lãng phí] – Lãng phí do sản xuất dư thừa

Leave a Reply