Các bạn đã đi qua các yêu cầu về mục tiêu chất lượng. Cũng đi qua cách thức hoạch định để đạt được mục tiêu chất lượng. Hôm nay Vietquality giới thiệu một ví dụ đơn giản về mục tiêu chất lượng, và các câu hỏi thường gặp cho phần này.
Giả sử một tổ chức, và họ có 3 mục tiêu chất lượng như sau:
Mục tiêu chất lượng 1: Không có mất thời gian do tai nạn lao động.
- Việc gì cần phải làm: Duy trì cuộc họp an toàn lao động hàng tuần, để đánh giá về các mối nguy và biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động.
- Nguồn lực: Cần 30 phút, phòng họp.
- Cần những ai: Trưởng bộ phận.
- Khi nào thì hoàn thành: hàng tuần, trước 9 giờ sáng thứ 5.
- Làm sao đánh giá hiệu quả: Theo dõi bản ghi chép cuộc họp hàng tuần và bảng theo dõi mất thời gian do tai nạn lao động.
Mục tiêu chất lượng 2: Thời gian thay đổi máy dưới 20 phút khi chuyển loại sản phẩm.
- Việc gì cần phải làm: Tạo ra danh sách check list cho những bước cần thực thiện, nhằm giảm thiểu thời gian lãng phí.
- Nguồn lực: Biểu mẫu check list, hộp dụng cụ, yêu cầu thay đổi.
- Cần những ai: Giám sát của bộ phận Set-up
- Khi nào thì hoàn thành: Áp dụng quy trình cho toàn bộ máy móc của nhà máy vào ngày 12/12/2019.
- Làm sao đánh giá hiệu quả: Ghi lại mỗi lần bắt đầu và kết thúc của việc set up máy, và so sánh xem nó đã dưới 20p hay chưa.
Mục tiêu chất lượng 3: Giảm sản phẩm lỗi kích thước xuống dưới 1%.
- Việc gì cần phải làm: Kiểm 3 mẫu đầu tiên trước khi bắt đầu ca sản xuất. Kiểm tra khuôn trước khi lắp vào. Sau 1000 lần dập, kiểm khuôn lại một lần.
- Nguồn lực: Báo cáo kiểm mẫu đầu ca, thước đo, báo cáo kiểm khuôn
- Cần những ai: Người vận hành.
- Khi nào thì hoàn thành: Áp dụng quy trình cho toàn bộ máy móc của nhà máy vào ngày 12/12/2019.
- Làm sao đánh giá hiệu quả: Theo dõi tỉ lệ hàng phế phẩm do lỗi này trong báo cáo sản lượng và chất lượng hàng ngày.
Đó là một ví dụ rất đơn giản về mục tiêu chất lượng mà các tổ chức có thể đặt ra, sau đây là những câu hỏi rất thường gặp về mục tiêu chất lượng.
- Mục tiêu chất lượng thì cần phải tài liệu hóa rồi, nhưng còn kế hoạch thì có cần không?
=> Tiêu chuẩn không yêu cầu, nhưng rất cần. Nó sẽ gúp ích cho tổ chức rất nhiều trong việc theo dõi các hành động, ghi nhận kết quả. - Mọi người trong tổ chức đều có mục tiêu cá nhân rồi, vậy nó đã thỏa mãn yêu cầu của ISO 9001:2015 hay chưa?
=> Cũng có thể, nhưng chưa chắc. Vì mục tiêu là thiết lập mục tiêu chất lượng của tổ chức, chứ không phải mục tiêu cá nhân. Nên phải đảm bảo là có mục tiêu của tổ chức, rồi từ đó chia ra mục tiêu phòng ban, từ mục tiêu phòng ban chia ra mục tiêu cá nhân. - Mình có thể để mục tiêu chất lượng vô cùng với chính sách chất lượng không?
=> Tiêu chuẩn không cấm, nhưng nó bất tiện. Vì chính sách chất lượng ít thay đổi hơn mục tiêu chất lượng. Mà việc duy trì mục tiêu chất lượng và chính sách chất lượng riêng biệt cũng không khó khăn gì, nên tại sao phải nhập vào cho phức tạp. - Mình có thể để mục tiêu lợi nhuận vào mục tiêu chất lượng được không? Mấy chuyên gia tư vấn nói không được vì nó không liên quan gì đến chất lượng hết.
=> Tất nhiên là được, chất lượng giờ đây là một thuật ngữ rất rất rộng. Nó bao gồm hầu như các khía cạnh của tổ chức. Và dĩ nhiên lợi nhuận phản ánh tính hiệu quả và chất lượng của quy trình và sản phẩm của tổ chức.
Vậy là các bạn đã đi qua trọn vẹn phần mục tiêu chất lượng, mời các bạn tham khảo phần kế tiếp của tiêu chuẩn ISO 9001:2015 ở đây.
Tuan Huynh